Hương nhu tía là gì? Tác dụng tuyệt vời của hương nhu tía. Một số bài thuốc hữu ích từ Hương nhu tía. Một số lưu ý cần thiết khi sử dụng hương nhu tía.
Hương nhu là một loại cây cỏ quen thuộc trong đời sống, thường được dùng để giải cảm cúm, làm mềm mượt tóc,… Hương nhu có nhiều loại như hương nhu trắng, hương nhu tía,… với những công dụng và đặc điểm khác nhau. Bài viết dưới đây của Tinh dầu Mangala đơn vị chuyên cũng cấp tinh dầu thảo mộc sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về cây hương nhu có tác dụng gì đối với sức khỏe?
I. Hương nhu tía là gì?
Hương nhu tía thường được gọi với cái tên là É tía hay còn được có tên khoa học là Ocimum sanctum L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
1. Đặc điểm thực vật
Hương nhu tía là loại cây thân thảo nhỏ, sống hàng năm hoặc lâu hơn, có mùi thơm dễ chịu. Chiều cao trung bình của cây trên dưới 1m. Thân và cành cây có màu đỏ tía, có lông. Lá cây mọc đối, thuôn hình trứng hoặc hình mác, thường có màu nâu đỏ, có cuống dài và mép hơi khía răng, hai mặt lá đều có lông, gân lá hình lông chim, có các tuyến nhỏ lõm xuống.
Hoa hương nhu màu tím, mọc thành bông xim co ở đầu cành. Hoa thường xếp thành vòng gồm 6 đến 8 bông, ít phân nhánh với đài hoa có quả bế. Cây hương nhu thường được trồng bằng hạt vào mùa xuân và ra hoa vào tháng 5 – 6.
2. Phân bố cây trồng
Hương nhu tía thường mọc hoang ở khắp nơi hay được trồng trong vườn nhà để làm thuốc. Trên thế giới, nó được trồng nhiều ở Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Philippines,… để làm hương liệu, lấy tinh dầu,…
Cây hương nhu ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm với nhiệt độ trung bình năm khoảng 25 – 30 độ C và lượng mưa 1800 – 2600 mm/năm, không thích hợp với khí hậu cận nhiệt đới và lạnh.
3. Cách thu hái, chế biến, bảo quản cây hương nhu tía
Bộ phận có thể sử dụng của cây hương nhu là thân, hoa, cành mang lá. Loại cây này thường được thu hái khi vào mùa ra hoa tầm tháng 5 – 6.
Cách chế biến cây hương nhu tía: Cây sau khi hái về đem rửa sạch, bạn có thể cây tươi trực tiếp hay phơi khô trong bóng râm để dùng dần. Chú ý: không phơi cây hương thu dưới ánh nắng trực tiếp sẽ làm mất tinh dầu trong cây.
Cách bảo quản cây hương nhu tía: Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát hoặc cho vào bịch ni lông cột kín. Tránh để ở những nơi ẩm ướt, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào thuốc sẽ làm hư hại, giảm chất lượng dược liệu.
Xem thêm: Tinh dầu quế: Cách sử dụng tinh dầu quế hiệu quả nhất
II. Tác dụng của hương nhu tía
1. Thành phần có trong dược liệu
Tinh dầu là thành phần có giá trị nhất trong Hương nhu tía. Theo Dược điển Việt Nam IV, dược liệu chứa ít nhất 0,5% tinh dầu (tính theo dược liệu khô tuyệt đối). Thành phần chính trong tinh dầu là methyleugenol (trên 12%), eugenol (trên 70%) và β-caryophylen, cùng với một số hợp chất sau:
- Các hợp chất thuộc nhóm flavonoid: apigenin-7-glucuronid, apigenin, luteolin, luteolin-7-glucuronid, orientin.
- Các hợp chất thuộc nhóm polyphenol: acid gallic methylester, acid galic, acid galic ethylester, acid rosmarinic, acid protocatechic.
- Acid ursolic cũng là một thành phần có hàm lượng cao và quan trọng trong hương nhu tía.
2. Tác dụng của hương nhu tía trong Tây y
Qua nghiên cứu tác dụng của acid ursolic trong dược liệu, hương nhu tía có những tác dụng như chống viêm nhiễm vết thương, bảo vệ gan, ngăn ngừa các khối u phát triển, hạ lipid máu,…
3. Tác dụng của hương nhu tía trong Y học cổ truyền
Theo Đông y, hương nhu tía là vị thuốc vị cay, tính ấm, có những công dụng như làm ra mồ hôi, giải cảm; Giảm hơi nắng, thời tiết nhiều ẩm thấp của mùa hè, giúp chữa cảm nắng, nhức đầu, trị đau bụng, đi ngoài, chữa tức ngực, nôn mửa, chuột rút, phù thũng ứ nước, hôi miệng,…
4. Cách dùng hương nhu tía để chữa bệnh
Bạn có thể dùng hương nhu tía dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu nước xông, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác nhau
Cách dùng: Nếu nấu nước xông thì bạn dùng khoảng 50 – 100g hương nhu tía tươi. Nếu bạn sắc nước để uống thì cho khoảng 6 – 12g hương nhu tía/ 1 ngày.
III. Một số bài thuốc hữu ích từ Hương nhu tía
1. Bài thuốc chữa nóng sốt, sốt không có mồ hôi
Bạn cần chuẩn bị 1 thang thuốc gồm 12g Hương nhu tía, 16g Đậu ván trắng, 12g Hoắc hương, 12g Củ sắn dây, 12g Lá tre gai, 12g Quả dành dành (sao vàng) và sắc uống mỗi ngày 1 thang.
2. Bài thuốc chữa ho nhiều, đờm đặc, người gầy yếu, ăn ít
Bạn cần chuẩn bị 1 thang thuốc gồm 8g Hương nhu tía, 8g Vỏ quýt, 8g Rễ cam vàng, 8g Thuốc dòi tía và sắc uống mỗi ngày 1 thang.
3. Bài thuốc chữa bé chậm mọc tóc
Bạn lấy Lá Hương nhu tía sắc lấy nước đặc, kết hợp với mỡ lợn để bôi hàng ngày trên da đầu của bé.
4. Bài thuốc chữa chứng hôi miệng
Bạn lấy Lá Hương nhu tía sắc lấy nước đặc và ngậm nhiều lần trong ngày để giảm thiểu chứng hôi miệng
IV. Những lưu ý cần thiết khi sử dụng hương nhu tía
Nếu bạn hay bị ra mồ hôi nhiều thì không nên dùng Hương nhu tía. Bên cạnh đó bạn cần phân biệt rõ Hương nhu tía và Hương nhu trắng. Hương nhu trắng (é lớn) thường cao hơn Hương nhu tía (é tía), có lá mọc đối, có cuống và phiến lá dài tầm 5-10cm, lá hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay răng cưa thô.
Trên gân chính của lá hương nhu trắng có lông. Hoa nhỏ mọc thành xim đơn 6 hoa, xếp thành chùm, tuỳ cây mà phía dưới có phân nhánh. Loại cây này có hàm lượng tinh dầu cao hơn Hương nhu tía, nên có mùi hắc và khó uống hơn, được dùng làm thuốc trong Đông y còn Hương nhu trắng chủ yếu được khai thác để trưng cất tinh dầu.
Còn hương nhu tía là vị thuốc dễ trồng và dễ sử dụng. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi, để tránh những hậu quả không mong muốn mà nên đi thăm khám để nhận được sự tư vấn từ thầy thuốc.
Trên đây là những thông tin hữu ích mà Tinh dầu Mangala cung cấp cho bạn về thông tin cây hương nhu tía cũng như những tác dụng tuyệt vời của loài cây này. Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về hương nhu tía, cũng như có thêm nhiều thông tin hữu ích.